( Hà Nội 3.1 ) Theo Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2024, đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP sẽ đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 – 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 – 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.
Theo Bộ GTVT, chi phí logistics của Việt Nam những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể, tương đương 18% GDP vào năm 2022. Những năm trước, chi phí này của Việt Nam ở mức cao, khoảng 20% GDP. Theo kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm mức chi phí này còn 16 – 20% GDP. Tuy nhiên, so với thế giới, mức này vẫn còn cao (chi phí logistics trên thế giới hiện khoảng 11% GDP).Theo đánh giá của Agility, năm 2022 Việt Nam xếp hạng 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Đến nay, VN có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.
Comments